Nhiều người kỳ vọng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến giá bất động sản giảm sâu. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm, điều này đã chưa xảy ra.
Thế nhưng, việc chủ đầu tư tăng các chính sách kích cầu mùa thấp điểm, các ngân hàng cũng đang triển khai các gói hỗ trợ người vay mua nhà… cũng mang đến cơ hội an cư hay đầu tư trên thị trường.
Nguồn cung khan hiếm, giá khó giảm thêm
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Vietnam, cho hay phân khúc đất nền quý 1/2020 chỉ có 3 dự án mới ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so quý trước (khoảng 677 nền) và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Phân khúc căn hộ, trong quý 1 toàn thị trường có 7 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 70% so với quý trước và giảm 47% so với cùng kỳ 2019. Ở phân khúc nhà phố và biệt thự cũng chỉ có 8 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 718 căn, chỉ giảm 9% so với quý trước nhưng tăng đến 132% so với nguồn cung cùng kỳ 2019.
Đây là quý có nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho biết, cả TP quý 1 chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.
Nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến giá BĐS nói chung không giảm như kỳ vọng của rất nhiều người dù dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động bán hàng, quảng cáo, truyền thông của nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đều tạm dừng.
“Kể từ cuối năm 2018 – 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn. Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên chúng tôi không thể nhận định giá đã xuống đáy hay chưa”, ông Hoàng thừa nhận.
Dù không giảm giá do khan hiếm nguồn cung, tuy nhiên ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều chủ đầu tư cũng đưa ra các chính sách kích cầu mùa thấp điểm. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoRea), đã có những tập đoàn và DN BĐS đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tăng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong một thời gian… Cũng có các DN hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng đến khi bàn giao nhà. Đó là cơ hội cho những người muốn tìm một chỗ an cư bởi theo dự báo, nguồn cung sẽ vẫn tiếp tục khan hiếm đến hết quý 1/2021.
Cơ hội cho người có tiền
Anh N.S (H.Nhà Bè, TP.HCM) mới đặt cọc mua căn shophouse tại dự án ở Thủ Đức, cho biết ngoài vị trí đắc địa, điều khiến anh quyết định xuống tiền là chính sách thanh toán hấp dẫn của chủ đầu tư. Theo đó, khách hàng ký hợp đồng chỉ phải trả 25% tổng giá trị căn nhà, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi bàn giao 2 năm sau đó. “2 năm là khoảng thời gian đủ dài để thu xếp tiền nong, cũng đủ dài để giá BĐS tăng thêm, tội gì không mua”, anh S. nói.
Anh N.T.V (Q.2) cho biết vợ chồng anh đang có khoản tiết kiệm khoảng 5 tỉ đồng, muốn nhân dịp này mua BĐS làm của để dành ở khu vực quận 9, 2 hoặc Thủ Đức. “Gia đình cũng chấp nhận có thể vay thêm nếu chọn được cái nào phù hợp. Lãi suất đang giảm, giá nhà đất cũng hợp lý hơn chứ đợi qua dịch cứ vài cơn sốt ảo cũng khiến giá bị đẩy lên, muốn mua cũng không được”, anh V. nói. Đây cũng là tâm lý của nhiều người.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, cho biết một khảo sát của công ty bà gần đây cho thấy các nhà đầu tư vẫn lựa chọn BĐS là kênh trú ẩn an toàn đảm bảo duy trì giá trị của đồng tiền khi thị trường có biến động. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay cơ hội đầu tư ngắn hạn không còn do tính thanh khoản giảm, dòng tiền đang lưu thông chậm.
“Đầu tư ngắn hạn thường chỉ mang yếu tố thời điểm khi thị trường sôi động hay có các yếu tố kích hoạt bất ngờ như công bố quy hoạch mới, mở đường hay khởi động các dự án trọng điểm… Khi thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc mạnh nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn thường vốn yếu, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ sớm rời thị trường. Còn lại các nhà đầu tư dài hạn, có nguồn lực tốt họ sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt và chờ đợi đến khi thị trường khởi sắc trở lại”, bà Hương nhận định.
Tại nhiều dự án có chủ đầu tư uy tín, có khá nhiều nhà đầu tư dạng này. Họ mua vào và chờ đợi khi khu đô thị phát triển từng bước hoàn thiện các hạng mục đầu tư hạ tầng, tiện ích khi đó giá trị sẽ tăng cao.
Theo các chuyên gia BĐS, nhà đầu tư cũng hướng đến BĐS có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Còn với nhu cầu ở, khách hàng sẽ ít cân nhắc về thời điểm hơn mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả, pháp lý và đặc biệt là yếu tố quy hoạch, không gian sống cùng với cam kết triển khai xây dựng và phát triển dự án của các chủ đầu tư. Xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng.
“Dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi cũng sẽ kiểm soát và vượt qua. Các mục tiêu phát triển trong dài hạn vẫn phải tiếp tục triển khai. BĐS là sân chơi lớn và dài hạn, không chỉ chủ đầu tư mà cả nhà đầu tư cũng cần nhìn xa, trông rộng và lựa chọn chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả và giá trị gia tăng bền vững trong dài hạn”, bà Hương cảnh báo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết: “Hiện nhiều doanh nghiệp đã có những chính sách kích cầu, hút dòng vốn như thanh toán trong lúc này sẽ được chiết khấu 5%, hỗ trợ vay ngân hàng… Trong lúc các kênh đầu tư khó khăn thì đây vẫn là cơ hội cho khách hàng có nhu cầu thật, nhà đầu tư trường vốn”.
Nguồn: thanhnien.vn